Về Long Xuyên, nhớ bún cá giữa phà lộng gió

Please log in or register to like posts.
Bài viết
Bún cá Long Xuyên An Giang

“Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Thi thoảng, lời bài hát trên lại trỗi dậy trong tâm trí tôi, khiến bản thân tha thiết muốn có những ngày phiêu lãng đi đâu đó để “ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Tuy nhiên, lần này không muốn “đi lên non cao đi về biển rộng” như thói quen rong ruổi xưa nay nữa.

Cũng bởi, buổi chiều nay giữa Sài Gòn náo nhiệt, nghe vẳng tiếng hát bài Điệu buồn phương Nam, lòng tôi lại nhớ Long Xuyên tha thiết, muốn được quay trở về làng nhìn ngắm mọi điều xưa cũ.

Bún cá Long Xuyên An Giang
Ở làng tôi, bún cá là thức quà người ta thưởng thức bất kỳ thời điểm nào, bất kể sáng trưa hay chiều tối

Tôi bắt một chuyến xe đò về Long Xuyên, vùng đất gắn bó suốt một khoảng thời gian dài của tuổi niên thiếu. Xe chạy ngang những cánh đồng lúa xanh mướt, tôi chậm rãi ngắm từng đám mạ non đang vươn mình trong ánh nắng chói chang của sắc trời phương Nam, lòng mơ màng nhớ đến hàng cây thốt nốt vươn mình trong vườn nhà xưa, vị ngọt thanh của nước dừa gần mé sông nhà bà ngoại, cảm giác chông chênh khi được đi xuồng lắc lư trên những dòng kênh cạn. Và nhớ cả mùi khói cay xè của cá lóc nướng trui trên đồng, vị chát thanh của trái bình bát, trái trâm, vị đắng của lá sầu đâu, những “đặc sản” một thời tuổi thơ khốn khó mà đậm đà nghĩa tình, khiến bất kỳ ai khi đi xa cũng nao lòng nhớ về quê xưa, làng cũ.

Long Xuyên là vùng đất suốt đời thương nhớ của tôi. Không chỉ là quê hương, là nơi đã từng sống qua những năm tháng tuổi thơ, Long Xuyên còn ghi dấu biết bao kỷ niệm khó phai về gia đình, bè bạn và biết bao người thân yêu. Ký ức tuổi thơ của tôi gắn liền với con đường đất cát, bụi cuốn tung mịt mù mỗi khi trời trở gió. Đó là con đường đến trường hằng ngày của tôi và lũ trẻ con trong xóm. Lũ trẻ con vô tư, nghịch ngợm cứ thế vừa đi vừa trò chuyện, trêu đùa nhau đủ trò tếu táo.

Mãi cho đến cây phượng vĩ già đầu làng trổ hoa rực rỡ, mới ngỡ ngàng nhận ra hè đã về. Thế là gắp lại sách vở, bọn trẻ con tung tăng khắp xóm làng, bày đủ mọi trò nghịch ngợm từ thả diều, tắm sông đến trèo cây “hái trộm” trái cây nhà hàng xóm hoặc vò ít lá sương sâm cạnh hàng rào làm thành món giải khát quen thuộc nhâm nhi cùng chúng bạn. Thi thoảng, nghe tiếng người lớn mắng, cả đám trẻ mới đành tiếc nuối, bỏ dở mọi trò chơi, về nhà chú tâm làm bài tập hè, rồi ngủ gà ngủ gật giữa điệu hò vang khắp dòng sông êm đềm, lấp lánh nắng vàng phương Nam.

Thoáng cái, đã gần hai mươi năm trôi qua, các bạn tôi ngày xưa nay đã trưởng thành, có người ở lại làng cũ, cũng có kẻ đã rong ruổi ở phương xa. Mỗi khi có dịp quay trở về làng, ai cũng lặng lẽ ngắm nhìn con đường đất ngày nào, mà hồi tưởng về những kí ức êm đềm đã qua.

Bún cá Long Xuyên An Giang
Một tô bún cá của người Long Xuyên thường đơn giản chỉ gồm có cá lóc, nước lèo, bún tươi, thêm vài miếng thịt heo quay hay chả cá, ăn kèm với các loại rau thơm, rau muống bào, diếp cá, bông điên điển

Riêng tôi vẫn nhớ mãi vị ngon của món bún cá của cô Hai bán ngay đầu đường làng mà bao nhiêu năm nay tìm mãi ở Sài Gòn vẫn không gặp lại. Nhắc đến bún cá, người ở miền Bắc, chắc sẽ nghĩ đến những lát cá rô rán giòn, ăn cùng dọc mùng xanh mát, cà chua đỏ tươi bắt mắt, song bún cá ở Long Xuyên lại hoàn toàn khác. Một tô bún cá của người Long Xuyên thường đơn giản chỉ gồm có cá lóc, nước lèo, bún tươi, thêm vài miếng thịt heo quay hay chả cá, ăn kèm với các loại rau thơm, rau muống bào, diếp cá, bông điên điển… Khi còn là một đứa trẻ, tôi nghe bà ngoại kể lại món bún cá có nguồn gốc từ Campuchia, trải qua nhiều biến tấu và sáng tạo trong cách nấu, đã dần trở thành một món ăn đặc trưng của người Việt. Ở làng tôi, bún cá là thức quà người ta thưởng thức bất kỳ thời điểm nào, bất kể sáng trưa hay chiều tối.

Riêng bọn trẻ con chúng tôi lại yêu thích việc nhấm nháp món ăn đặc trưng này vào những buổi chiều mát trời vừa tan học về hoặc những khi được cha mẹ cho tiền ăn vặt. Tôi nhớ hoài mùi nước mắm ngọt pha chút cay cay cô cho thêm bọn nhỏ để dành chấm cá và giọng nói rặt miền Tây chất phác, dễ thương của cô. Cô Hai nay đã mất, cái quán nhỏ yên bình bên bờ sông, mà mọi người trong làng hay bảo đúng kiểu “trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang” cũng chẳng còn, khiến tôi mỗi dịp quay về làng lại ngẩn ngơ tiếc nhớ hương vị bún cá năm nào cùng ký ức về những ngày đã qua.

Nỗi nhớ của tôi về làng cũ còn liên quan đến những chuyến phà sang sông lộng gió nhớ thương mà bất kỳ ai ở miền Tây cũng có lần đi qua. Tôi nhớ những chuyến phà theo cha mẹ đi từ Rạch Miễu đến Bến Tre sông xa thăm thẳm qua nhiều cồn bãi. Đôi lần đi vào buổi đêm, qua phà Cần Thơ, đứng trên phà mà nghe như văng vẳng câu hát nao lòng “Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ”. Ngày nay, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu đã xây xong, không còn những chuyến phà như xưa. Không hiểu rồi những chiếc phà năm xưa sẽ đi về đâu, có được tiếp tục những cuộc hành trình chở khách qua sông?

Dù đã xa làng cũ rất nhiều năm tháng nhưng nỗi nhớ thương làng vẫn tràn ngập tâm trí. Chiều nay, về lại làng cũ ngồi ăn một tô bún cá, ngắm dòng sông lục bình trôi mênh mang, sực nhớ một điệu hò phương Nam, thấy lòng ấm áp vô kể. Tôi luôn tin rằng dù đi đến bất cứ nơi đâu, trải nghiệm vô vàn những điều mới lạ thì việc được quay trở về làng cũ, đoàn tụ với gia đình, bè bạn và bà con láng giềng thân thuộc vẫn là một điều hạnh phúc khó tả. Con người ta dẫu đi thật xa cũng nên có một góc nhỏ êm đềm nơi làng quê xa xưa để trở về.

Tác giả: Trịnh Kỳ Anh

Nguồn: https://thanhnien.vn/ve-long-xuyen-nho-bun-ca-giua-pha-long-gio-post1511357.html

Reactions

0
0
0
0
0
0
Already reacted for this post.

Reactions

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *