Mì Xí Mứng: giai thoại lò bốn cửa ở Biên Hoà

Please log in or register to like posts.
Bài viết
Mì xí mứng Biên Hoà

Xí mứng là gì? Mì xí mứng xuất phát từ đâu, có phải nguồn gốc ở Biên Hòa hay không? Tác giả Bùi Thuận đã có bài viết về chuyện này, đăng trong quyển Đậm đà hương vị Đồng Nai. Bên dưới đây là bài trích đăng lại.

Những “mì gia” một thời nổi tiếng ở trung tâm thành phố Biên Hòa như: Mì Chú Mừng, Mì vịt tiềm Châu Ký… đã vắng bóng từ lâu. Vài năm gần đây, trong con hẻm nhỏ cạnh Sở Y tế trên đường Phan Đình Phùng xuất hiện tiệm mì Phước Lộc Thọ rất được nhiều người ưa thích. Tiệm mì chỉ bán từ 2 giờ chiều cho đến tối. Thế nhưng mới vào khoảng cuối giờ làm việc buổi chiều, khách đã rất khó tìm được một chỗ ngồi; chậm hơn nữa thì hết. Mì Phước Lộc Thọ bán đắt đến nổi, vừa ra được mấy tháng có một quán ăn ở Cây Chàm (phường Quang Vinh) rồi thêm một quán mì mở trên đường Hà Huy Giáp, gần rạp Biên Hùng dán giấy, treo bảng quảng cáo là chi nhánh của mì Xí Mứng. Thế là tiệm mì Phước Lộc Thọ phải… “ra thông báo” là mì Xí Mứng chỉ có cơ sở 1 là Phước Nguyên bên phường Tân Vạn và cơ sở 2 là Phước Lộc Thọ ở Biên Hòa.

Mì xí mứng Phước Nguyên
Bảng chỉ đường tiệm mì Phước Nguyên, chỉ có duy nhất 1 chi nhánh Phước Lộc Thọ (Biên Hòa)

Cái tên “mì Xí Mứng” có từ rất lâu ở Biên Hòa để chỉ một tiệm mì ngon nổi tiếng ở Tân Vạn do ông bà Trần Cẩm Phô – Hà Thị Lan mở ra cách nay gần nửa thế kỷ trong một con hẻm nằm sâu trong khu lò gạch, cách chợ Tân Vạn đến cả cây số. Vào thời đó, hầu hết người Minh Hương (người Việt gốc Hoa) ở Biên Hòa thường bán mì, hoành thánh, hủ tiếu trong một chiếc xe có lấp kính, được trang trí lộng lẫy nhiều cảnh tích trong Tam Quốc Chí, Tây Du Ký hay Đông Chu liệt quốc… nhìn khá vui mắt. Thế nhưng, để bán cho thầy thợ, cu li… làm gạch, ngói, lu… tại khu vực lò tập trung rất đông đúc, ông Trần Cẩm Phô xây hẳn một cái lò nấu mì và mở rộng ra thành tiệm có bàn ghế hẳn hoi. Do thế đất, cái tiệm mì đầu tiên được xây gạch khá khang trang, bề thế không có tên mà cũng không treo bảng hiệu có thể vào từ bốn phía khá là lạ mắt, nên bà con chung quanh cũng như khách hàng đến lấy gạch, lu… bèn bắt chước người Hoa, gọi tiệm mì này là… Mì Xí mứng (tiếng Hoa có nghĩa là… bốn cửa, 四門). Tên này gọi riết thành quen. 

Ông bà chủ mì xí mứng
Ông bà Trần Cẩm Phô – Hà Thị Lan, chủ tiệm mì xí mứng.

Sau đó bà Hà Thị Lan đã mấy lần mở rộng quán để đáp ứng lượng khách ngày càng thêm đông không chỉ ở Biên Hòa, mà còn từ Bình Dương, Thủ Đức, Dĩ An… qua ăn. Quán mì cũng được trương bảng lấy tên là Phước Nguyên, vì gần bên lại có thêm một tiệm mì bán y chang như tiệm mì Xí mứng: nhưng khách hàng quen vẫn không chú ý lắm tới tên Phước Nguyên mà cứ gọi là… tiệm Mì Xí mứng. 

Tiệm Mì xí mứng Phước Nguyên
Tiệm mì Phước Nguyên, tức mì Xí Mứng, ở Tân Vạn hiện giờ.

Năm 2001, con gái út của bà chủ tiệm mì Phước Nguyên là Trần Tuyết Nga lấy chồng ở Biên Hòa (trở thành dâu của nhiếp ảnh gia kỳ cựu Trần Văn Châu). Để giúp cho đôi vợ chồng trẻ có điều kiện làm ăn, sinh sống, bà Lan đồng ý cho con gái mở tiệm mì ngay tại nhà chồng lấy tên là Phước Lộc Thọ. Tiệm mì này vừa mới mở, dân buôn bán, làm ăn ở Biên Hòa (vốn là khách quen của Phước Nguyên) kéo đến rất đông và gọi tiệm mì này là… mì Xí mứng Biên Hòa. Mì Phước Lộc Thọ lấy mì vắt từ “tiệm mẹ” Phước Nguyên bên Tân Vạn, nên chất lượng và mùi vị vẫn không khác. Chỉ có điều, mì xí mứng Phước Nguyên bán buổi sáng, từ 6 giờ đến 12 giờ; còn mì xí mứng Phước Lộc Thọ ở Biên Hòa thì bán buổi chiều, từ 2 giờ trở đi.

Có không ít người từng ở Biên Hòa, đã sang Mỹ, Úc, Canada… định cư nhiều năm, vậy mà khi trở về quê hương vẫn không quên hỏi: “Mì Xí mứng bên Tân Vạn bây giờ còn không?”. Được đưa đến tiệm mì Phước Lộc Thọ ăn thử, mới gắp vài đũa, khách đã kêu lên: “Y chang mì Xí mứng! Cọng mì giòn, nước lèo ngọt thịt đậm đà mà nếu ăn ở khu China Town nào ở Mỹ cũng không có được hương vị ngon thơm như mì Xí mứng!”

Mì xí mứng Phước Lộc Thọ
Tô mì Phước Lộc Thọ.

Bí quyết nhồi, trộn bột, cán, xắt để làm mì Xí mứng cho cả hai tiệm mì danh tiếng này, hiện nay do người con gái thứ ba của bà Hà Thị Lan là Trần Kim Hồng nắm giữ. Năm nay chưa đến 50, nhưng từ năm 16 tuổi, bà đã được cha là ông Cẩm Phô truyền nghề. Còn kỹ thuật nấu mì, trong đó có bí quyết làm cho nước lèo ngọt, giữ được nóng cho đến ăn hết tô thì bà Lan đã truyền lại cho cả hai cô con gái đang làm chủ hai quán mì Xí mứng là Trần Thị Bích Phượng ở Tân Vạn và Trần Tuyết Nga ở E29 đường Phan Đình Phùng, thành phố Biên Hòa.

Tác giả: Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai – NXB Đồng Nai 2013

Reactions

0
1
0
0
0
0
Already reacted for this post.

Reactions

1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *